Chiến lược 7 ngày
Thử tưởng tượng nếu bạn chỉ còn vẻn vẹn một tuần ngắn ngủi để chuẩn bị cho kỳ thi sắp đến gần, bạn sẽ làm gì? Liệu một tuần có đủ cho bạn làm một bài test chẳng dễ dàng chút nào? Và lo lắng, sốt ruột, lúng túng, thậm chí dành toàn bộ thời gian chỉ có học và học là chiến lược của bạn ư?
Dưới đây là một vài lời khuyên giúp bạn dành lợi thế chỉ trong khoảng thời gian ngắn.
1. Lên kế hoạch chuẩn bị và thời gian biểu cụ thể
Bạn nên chuẩn bị cho mình một cuốn sổ tay nho nhỏ, ghi mục tiêu lịch trình cụ thể của từng ngày bạn dự định sẽ làm những gì. Ví dụ: hôm nay bạn dự định làm gì trước làm gì sau, học những kĩ năng gì, làm những dạng bài tập nào...
Cũng là một ý tưởng hay nếu bạn chuẩn bị cho mình một mầu giấy nhỏ dán lên góc học tập giống như một chiếc đồng hồ đếm ngược, ghi rõ từng ngày lên trên đó với những câu nhắc nhở khác nhau. Ví dụ: Còn 7 ngày- Time never waits anyone, 6 ngày- More practice- more confidence, 5 ngày- 5 days means a lot to do, 4 ngày- Keep trying, 3 ngày- Be patient, 2 ngày- Wow! Waiting for the enjoyable test:D , 1 ngày- Get ready .v.v…
2. Nghiên cứu và chọn sách phù hợp
Khoảng thời gian không nhiều để bạn có thể luyện tập được cả một kho sách về các dạng bài của kỳ thi và bí quyết để làm bài. Bạn nên hỏi ý kiến của những người đã tham gia thi trước đó lướt website, hoặc xem các diễn đàn về tài liệu phù hợp với trình độ, nhu cầu và kế hoạch của bạn. Tốt nhất bạn chỉ nên mua khoảng 2-3 quyển sách tốt để có thể làm được hết chúng, ít nhất là một lần. Theo kinh nghiệm của một vài người trong đó có tôi, việc làm đi làm lại sẽ giúp cho họ củng cố được những vấn đề khó khăn mà trước đó đã mắc phải và hơn hết sẽ giúp họ cảm thấy tự tin hơn. ( Dù rằng bài đó đã đọc và làm một lần rồi, nhưng điểm cao hơn lần đầu làm khiến tôi thấy yên tâm hơn phần nào).
3. Có công mài “kiến thức”, có ngày nên “thủ khoa” / Có công mài sắt, có ngày nên kim (Practice makes perfect)
Bên cạnh làm các bài test, bạn cũng nên dành thời gian làm các bài đọc bởi chúng không chỉ giúp bạn củng cố kiến thức, cung cấp những vốn từ, những tri thức nền và tri thức mới, phát triển các kỹ năng làm bài... mà còn giúp chúng ta hình thức phản xạ nhanh hơn với những dạng bài khác nhau. Đối với những dạng bài hay chủ đề bạn đã từng làm, những kiến thức nền bạn có sẽ giúp bạn thích ứng nhanh hơn và hiệu quả hơn khi làm bài, ngược lại đối với những chủ đề (topic) bạn chưa từng làm bao giờ thì cũng không thành vấn đề bởi bạn đã hình thành cho mình những kỹ năng để “xử lý” những chủ đề hoàn toàn mới.
4. Hãy luôn tự tin ở chính mình và kiềm chế sự lo lắng
Đấy nhé! Bạn chỉ có 7 ngày thôi đấy! Nếu bạn quá lo lắng và không tự tin là mình sẽ làm được, luôn sợ hãi là mình sẽ nhận điểm kém, kết quả là ngày qua ngày bạn sẽ chẳng làm được gì cả, và nỗi sợ hãi của bạn sẽ “thắng thế” sự tự tin mà hằng ngày bạn có thừa. Bạn ơi, đây không phải là lúc để bạn tự ti rồi, bạn hãy nghĩ mình vẫn còn cả một tuần để chuẩn bị cơ mà, trong khi rất nhiều người khác, biết đâu họ chẳng có nhiều thời gian như bạn thì sao? Đừng gặm nhấm nỗi sợ hãi, hãy coi kì thi đó chỉ như một bài test sự cố gắng của bạn.
5. Dành thời gian cho bản thân
Khi cơ thể bạn mệt mỏi với những áp lực do tâm lý đè nặng, bạn sẽ không thể đạt được kết quả cao nhất. Hãy cho phép bản thân mình thư giãn bằng cách nghe nhạc hay thưởng thức các câu chuyện cười để lấy lại cường độ và sự minh mẫn. Hãy làm việc khi bạn cảm thấy thật sự thoải mái và hiệu quả, bạn sẽ làm tốt.
Dù chẳng còn nhiều thời gian cho bạn để chuẩn bị, nhưng không có nghĩa là bạn không thể làm được gì. Đặt ra một kế hoạch hợp lý và củng cố sự tự tin sẽ giúp bạn giành điểm cao dù rằng bạn chỉ có một tuần hay cả năm trời để chuẩn bị.
Chúc bạn thành công!
Chang Duyên - Global Education (Tổng hợp)